Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xẩy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến tính mạng con người
Giai đoạn 2021 – 2023 và 6 tháng đầu
năm 2024, tình trạng an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh được kiểm soát
khá tốt; chưa xẩy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến tính mạng con
người.
Trong
thời gian qua, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện công tác
quản lý nhà nước về ATTP do Chính phủ, các Bộ, ngành, công tác quản lý về ATTP
trên địa bàn tỉnh đã được phân công, phân cấp phù hợp với quy định của Trung
ương. Công tác bảo đảm ATTP nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo và sự vào cuộc của
cả hệ thống chính trị các cấp từ tỉnh đến cấp xã. Trách nhiệm của chính quyền,
của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm được nâng cao, tích cực và chủ
động tham mưu triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, góp phần bảo đảm ATTP trên
địa bàn.
Công
tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về ATTP được sự vào cuộc tích
cực của các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ sở sản xuất,
chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng với nhiều hình thức, nội dung
phong phú, đa dạng. Toàn tỉnh tổ chức 1.308 lớp tập huấn cho 83.789 đối tượng;
104 cuộc hội thảo, hội nghị với 8.981 người tham gia; 1.791 buổi đối thoại,
chia sẻ với 75.210 lượt người tham dự; 3.456 bài trên báo viết, mạng xã hội;
1.561 lượt phát thanh, 520 lượt phóng sự trên truyền hình; hơn 9.000 băng rôn,
khẩu hiệu; 98 cuộc truyền thông lưu động; 8.930 tranh, pano, áp phích; 6.850
đĩa truyền thông và 320.152 tờ rơi ATTP.
Hoạt
động giám sát phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các sự cố về ATTP được triển khai
thường xuyên, phát hiện kịp thời các loại thực phẩm có nguy cơ ô nhiễm để kịp
thời cảnh báo cho người tiêu dùng. Công tác phối kết hợp quản lý nhà nước
về ATTP được các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và UBND các cấp quan tâm
triển khai thường xuyên. Công tác thanh tra, kiểm tra trong các dịp cao điểm,
đảm bảo đúng theo phân công, phân cấp; 100% vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên
địa bàn đều được phối hợp điều tra và báo cáo theo quy định. Công tác báo cáo
định kỳ và đột xuất giữa các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và UBND các
cấp được thực hiện nghiêm túc. Từng đơn vị thực hiện tốt các quy chế hoạt động
quản lý ATTP tự xác định rõ nội dung và trách nhiệm phối hợp quản lý nhà nước
về ATTP.
Toàn
tỉnh đã thành lập 3.287 Đoàn thanh tra, kiểm tra với tổng số cơ sở được thanh
tra, kiểm tra là 40.573 cơ sở, trong đó có 38.983 cơ sở đạt (96,08%) và 1.590
cơ sở vi phạm (3,92%) với tổng số tiền xử phạt 3.659.224.000 đồng. Lực
lượng Công an, Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý tịch thu, tiêu hủy nhiều
mặt hàng liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch. Qua công
tác thanh tra, kiểm tra nhận thấy, số cơ sở vi phạm về An toàn thực phẩm từ năm
2021 đến nay có chiều hướng giảm. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật
của các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm từng bước được nâng cao, tự
giác chấp hành các quy định của nhà nước trong quá trình sản xuất, kinh doanh
thực phẩm.
Toàn
tỉnh triển khai giám sát mối nguy đối với các mẫu thực phẩm, sản phẩm nông,
lâm, thủy sản nhằm kịp thời cảnh báo nguy cơ sử dụng thực phẩm không đảm bảo an
toàn cho người tiêu dùng với 1.173 mẫu, trong đó có 1.103 mẫu đạt (chiếm 94%)
và 70 mẫu không đạt (chiếm 6%). Đối với các mẫu vi phạm đã tiến hành gửi thông
báo và thành lập đoàn điều tra, xác minh theo quy định.
Tuy nhiên,
mô hình quản lý ATTP hiện nay chưa thống nhất, công tác quản lý đang được phân
công cho 03 ngành là Y tế, NN&PTNT và Công Thương. Đối với cấp huyện, cấp
xã còn gặp nhiều khó khăn do không có cán bộ chuyên trách tham mưu quản lý
ATTP. Việc quản lý cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm còn có sự
tham gia của lực lượng Cảnh sát môi trường, quản lý thị trường. Các ban,
ngành đã thực hiện công tác phối hợp trong quản lý ATTP nhưng hiệu quả chưa cao...
Trong thời gian tới, tiếp
tục nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan,
các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phối hợp thực hiện quản lý an toàn
thực phẩm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức pháp luật an
toàn thực phẩm cho chủ doanh nghiệp, cơ sở, người trực tiếp tham gia sản xuất,
kinh doanh thực phẩm.
Đồng
thời, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP cho các Sở, ngành, lực lượng
chức năng trên địa bàn, đầu tư trang thiết bị chuyên dụng; nâng cao chất lượng
đội ngũ cán bộ, công chức về chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường phối kết hợp
trong công tác ATTP đảm bảo tính hệ thống liên thông nhằm nâng cao hiệu quả
công tác quản lý nhà nước.
Giám
sát chặt chẽ hoạt động quảng cáo thực phẩm. Chủ động giám sát các mối nguy ATTP
để cảnh báo cộng đồng, giảm thiểu các vụ ngộ độc thực phẩm và tử vong do ngộ
độc thực phẩm. Tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu, kết nối giao thương
trong nước và ngoài nước nhằm tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm đảm bảo chất
lượng trên địa bàn tỉnh...
Kim Oanh
(T/h)
Nguồn: Báo cáo số 503/BC-UBND ngày
28/6 về công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ
An giai đoạn 2021 – 2023 và 6 tháng đầu năm 2024.