Trong năm 2022, toàn tỉnh Nghệ An có 383/460 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 83,26%. Trong đó, có 08 đơn vị cấp huyện có tỷ lệ đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cao, bao gồm: Thành phố Vinh, huyện Hưng Nguyên, huyện Nam Đàn, huyện Đô Lương, huyện Diễn Châu, huyện Yên Thành, huyện Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò.
Có 383/460 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương trong tỉnh thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với UBND cấp huyện tổ chức 12 hội nghị tập huấn nghiệp vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho 2.557 lượt cán bộ, bao gồm các thành viên Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật cấp huyện; lãnh đạo UBND cấp xã, công chức Tư pháp - Hộ tịch, công chức Văn phòng - Thống kê, công an cấp xã, cán bộ UBMT Tổ quốc cấp xã.
Công tác thông tin, truyền thông trên địa bàn tỉnh cũng được thực hiện thông qua cấp phát miễn phí gần 12.000 cuốn Bản tin Pháp luật và Đời sống của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, trong đó có các tin, bài giới thiệu văn bản pháp luật mới về tiếp cận pháp luật; vai trò, tầm quan trọng của đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong xây dựng nông thôn mới;… Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được lồng ghép trong quá trình tập huấn các văn bản pháp luật mới, tập huấn về xây dựng nông thôn mới. Thường xuyên thông tin, truyền thông, tập huấn về nhiệm vụ cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong giao ban công tác tư pháp, qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, họp định kỳ hàng tháng, sinh hoạt “Ngày Pháp luật” của cơ quan, đơn vị, biên soạn, phát hành tờ gấp, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử, qua facebook, zalo...
Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, các đơn vị cấp huyện đã triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm tra cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại 186/460 đơn vị cấp xã. Thông qua kiểm tra, các đơn vị cấp xã được hướng dẫn chi tiết để đánh giá đối với từng tiêu chí, chỉ tiêu và cách thức lập hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong trường hợp đủ điều kiện theo quy định pháp luật.
Năm 2022, toàn tỉnh có 383/460 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 83,26%, tăng 26 đơn vị so với năm 2021. Trong đó, các đơn vị cấp huyện có tỷ lệ đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cao, bao gồm: Thành phố Vinh, huyện Hưng Nguyên, huyện Nam Đàn, huyện Đô Lương, huyện Diễn Châu, huyện Yên Thành, huyện Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò.
Bên cạnh những kết quả đạt được, một số đơn vị cấp xã chưa xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và chưa phân công nhiệm vụ cho công chức phụ trách các tiêu chí, chỉ tiêu. Việc đánh giá kết quả khắc phục tồn tại, hạn chế sau kiểm tra của các địa phương chưa kịp thời. Cơ sở vật chất của một số đơn vị cấp xã đặc biệt tại các huyện miền núi còn thiếu. Một số đơn vị cấp xã đánh giá chưa chính xác, khách quan…
Thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra việc thực hiện đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp. Đó là, nâng cao nhận thức của cấp uỷ, chính quyền các cấp về nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thông qua tổ chức các hội nghị, các cuộc đối thoại, toạ đàm... về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện nhiệm vụ này; tiếp tục thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp tỉnh đối với cấp huyện, của cấp huyện đối với cấp xã thông qua ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp với chỉ đạo của cấp trên và yêu cầu của tình hình thực tiễn.
Đồng thời, phân công công chức cấp xã theo dõi việc thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu để chủ động tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ và tập hợp tài liệu đánh giá một cách khoa học, thường xuyên; xây dựng cơ chế phối hợp cụ thể để có biện pháp xử lý trong trường hợp phối hợp không đạt hiệu quả như yêu cầu; rà soát, tổ chức kiểm điểm và nghiêm túc phê bình đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm dẫn đến cấp xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hoặc việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật không đúng quy định.
Thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Tổ chức sơ kết, tổng kết nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, các tồn tại, hạn chế đồng thời phát hiện các bất cập về thể chế để kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung văn bản có liên quan.
Cùng vớ đó, bố trí nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí đảm bảo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong đó, chú trọng tổ chức các hội nghị bồi dưỡng chuyên sâu cho thành viên Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật cấp huyện, cán bộ, công chức cấp xã có liên quan để nâng cao chất lượng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật.
H.B (Tổng hợp)
(Nguồn: Báo cáo số 85/BC-UBND ngày 17/2/2023 về kết quả đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2022)