Đổi mới cách đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn Khoản 6 Điều 3 và khoản 5 Điều 5 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Bộ Tư pháp cho biết, trước khi ban
hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, nhiệm vụ đánh giá, công nhận
xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được
triển khai thực hiện theo Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 8/5/2017
của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 07/2017/TT-BTP ngày 28/7/2017 của Bộ Tư pháp.
Việc thực hiện Thông tư này trong
hơn 4 năm qua đã góp phần hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý
triển khai đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận
pháp luật trên cả nước, giúp chính quyền cấp xã tăng cường trách
nhiệm trong quản lý Nhà nước, tổ chức thi hành pháp luật và thực
hiện dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, một số quy định của Thông tư số
07/2017/TT-BTP đã nảy sinh vướng mắc, không còn phù hợp với
thực tế, hướng dẫn về nội dung của các tiêu chí, chỉ tiêu còn
định tính, chưa rõ ràng, chưa quy định cụ thể tài liệu phục
vụ đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật dẫn đến
khó khăn, lúng túng trong tổ chức thực hiện tại địa phương.
Vì vậy, Bộ Tư pháp đã xây dựng dự thảo Thông tư nhằm khắc phục những hạn
chế trên và bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với các quy
định pháp luật mới về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp
cận pháp luật.
Quy định cách chấm điểm bảo đảm khách quan, thực chất
Dự thảo Thông tư tập trung quy định,
hướng dẫn chi tiết các nội dung được giao tại khoản 6 Điều 3 và khoản 5
Điều 5 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, bao gồm nội dung, điểm số, cách
tính điểm các tiêu chí, chỉ tiêu và tài liệu đánh giá các tiêu chí, chỉ
tiêu; quy trình, biểu mẫu phục vụ việc đánh giá, công nhận xã, phường,
thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn
của Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật.
Về nội dung, điểm số, cách tính điểm các
tiêu chí, chỉ tiêu và tài liệu đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu, Điều 2
và Phụ lục I kèm theo dự thảo Thông tư hướng dẫn cụ thể. Trong đó cách
tính điểm được xác định theo định mức tỉ lệ % tương ứng hoặc theo điểm
số cụ thể được quy định tại Phụ lục; hướng dẫn cách làm tròn điểm để
thực hiện thống nhất. Tại Phụ lục, có 22 nội dung được chấm điểm theo
tỉ lệ % và 17 nội dung được chấm điểm theo điểm số; tương ứng với
từng nội dung của tiêu chí, chỉ tiêu đã quy định các tài liệu cụ thể làm
căn cứ thực hiện chấm điểm, đánh giá nhằm bảo đảm khách quan, thực chất
trên cơ sở không làm phát sinh các tài liệu mới.
Cách xác định điểm số của các tiêu
chí, chỉ tiêu có nội dung xác định theo tỉ lệ % được đổi mới theo
hướng điểm số được tính tương ứng với định mức tỉ lệ % đạt
được, thay vì tính theo công thức chung như trước đây, bảo đảm
cho việc chấm điểm, đánh giá được thuận tiện và dễ theo dõi,
quản lý.
Thống nhất quy trình đánh giá, công nhận tại cấp xã, cấp huyện
Về quy trình đánh giá, công nhận xã,
phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Điều 3 dự thảo Thông tư
hướng dẫn cụ thể quy trình, bao gồm các công việc, nhiệm vụ mà Ủy ban
nhân dân cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện để phục vụ
việc chấm điểm, đánh giá, đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt
chuẩn tiếp cận pháp luật; các công việc, nhiệm vụ mà Ủy ban nhân dân cấp
huyện thực hiện để phục vụ việc đánh giá, xem xét, quyết định công
nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Quy định này nhằm tạo cơ sở pháp
lý để cấp huyện, cấp xã tổ chức triển khai các nhiệm vụ
được thống nhất, đồng bộ; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ
quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong đánh giá, công nhận
xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Minh Đức
Nguồn: Chinhphu.vn(21/9/2021)