image banner

image advertisement

Vấn đề phòng, chống bạo lực học đường được nhiều đại biểu quan tâm

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII, chiều 6/7, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thái Văn Thành đã đăng đàn trả lời chất vấn các nội dung: “Công tác phòng chống bạo lực học đường; giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước; công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt… Thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới”.

Anh-tin-bai

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành đăng đàn trả lời chất vấn. Ảnh: Thương Huyền

Gia đình phối hợp cùng nhà trường để giáo dục học sinh

Liên quan đến vấn đề bạo lực học đường, đại biểu Nguyễn Công Văn – huyện Nghi Lộc cho rằng, bạo lực học đường hiện nay gia tăng cả về quy mô số lượng với tính chất phức tạp đã gây ra hệ quả hết sức khôn lường; có tình trạng trên lớp trò không sợ thầy, không kính thầy, ra đường người già sợ trẻ nhỏ, về nhà cha mẹ nịnh con cái. Với tư cách là người đứng đầu ngành GD&ĐT của tỉnh nhà, đề nghị ông Giám đốc Sở có đánh giá như thế nào về vấn đề nêu trên, trách nhiệm của ngành GD&ĐT?

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Văn Thành thì biểu hiện này có nhưng không phổ biến, diễn ra trong cả nước chứ không phải riêng tỉnh Nghệ An. Về vấn đề này, ngành đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch xây dựng môi trường, nhà trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, học sinh tích cực. Đồng thời tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, các nhà trường tổ chức sinh hoạt với phụ huynh để phối hợp với nhà trường xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, học sinh tích cực. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống và khát vọng cống hiến cho học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên và nhi đồng, ngành đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục, nhà trường xây dựng các kế hoạch và công khai kế hoạch để phụ huynh, cộng đồng phối hợp để giám sát, cùng xây dựng môi trường tốt ở trong và ngoài nhà trường.

Đối với học sinh có những hành vi xúc phạm nhà giáo, nhà trường đã có hoạt động giáo dục tích cực. Các nhà trường đã xây dựng hòm thư “Điều em muốn nói” để cho các em học sinh phản ánh những mong muốn, tố giác những hành vi bạo lực, xúc phạm trong nhà trường. Đồng thời, ngành Giáo dục đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể như Công an tỉnh, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… để xây dựng môi trường giáo dục trong và ngoài nhà trường đảm bảo.

Riêng đối với cha mẹ học sinh, ngành đã có những chuyên đề và sắp tới trong các cuộc họp phụ huynh, nhà trường sẽ cung cấp các phương pháp giáo dục cho cha mẹ học sinh và thống nhất chung về các phương pháp giáo dục, về việc cung cấp trao đổi, chia sẻ thông tin khi phát hiện những biểu hiện của học sinh; thống nhất trong theo dõi, đánh giá học tập… Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang thực hiện quyền trẻ em thì nhận thức của các em về mặt xã hội chưa có nên có những hành vi vượt quá quy định xã hội và thuần phòng mỹ tục. Vì vậy, cha mẹ học sinh ngoài việc chăm lo cho con cũng không nên nuông chiều, phải “lúc cứng, lúc mềm” đối với các cháu. “Giáo dục con phải có phương pháp, quan tâm theo dõi, chú ý việc học tập của các cháu, nắm bắt tâm tư, tình cảm của các cháu; phối hợp với nhà trường để có những định hướng, phát triển nhân cách tốt đẹp, trở thành người công dân tốt” – Giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh.

Anh-tin-bai

Đại biểu Chu Đức Thái –huyện Diễn Châu phát biểu. Ảnh: Thương Huyền

Đại biểu Chu Đức Thái –huyện Diễn Châu cho rằng, thời gian qua, bạo lực học đường không chỉ diễn ra giữa học sinh với học sinh mà còn diễn ra giữa giáo viên với học sinh; ranh giới giữa tinh thần, trách nhiệm và sự quan tâm của giáo viên đối với học sinh và hành vi bạo lực rất dễ lẫn lộn dưới các góc nhìn khác nhau, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người giáo viên. Đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết ngành có giải pháp gì để nâng cao văn hóa ứng xử của giáo viên, để giáo viên không vi phạm quy tắc ứng xử đối với học sinh nhưng không làm triệt tiêu sự nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm của người giáo viên?

Về nội dung này, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, trong bối cảnh hiện nay, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì yêu cầu nhà giáo phải tiếp tục học tập, học tập suốt đời mới đáp ứng yêu cầu dạy học, đây cũng là một áp lực. Nhưng áp lực vì có những xúc phạm, những hành vi khiến nhà giáo ngại, hoặc sợ, không muốn nỗ lực, không tích cực gần gũi học sinh. Tuy nhiên, ngành GD&ĐT đã có triết lý đối với giáo dục là “giáo dục học sinh bằng tất cả tình cảm và tình yêu thương”. Nếu giáo viên thật sự giáo dục học sinh bằng tất cả tình cảm và lòng yêu thương, xem như con của mình thì không những cha mẹ học sinh cũng sẽ rất quý mà tất cả các cháu cũng sẽ rất quý mến và biết ơn. Nếu thầy cô chỉ dạy cho hết nhiệm vụ, không quan tâm đến việc giáo dục nhân cách cho các cháu học sinh thì chỉ cần động vào là gây nên bức xúc. Bên cạnh đó, nếu Luật Nhà giáo được thông qua thì địa vị người giáo viên sẽ được bảo đảm.

Thời gian qua, ngành đã phối hợp với Công đoàn ngành tổ chức thăm hỏi, động viên và xử lý kịp thời những vụ việc xảy ra giữa phụ huynh và giáo viên; động viên những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Bạo lực học đường trên môi trường mạng rất đáng báo động

Tham gia chất vấn, đại biểu Hồ Văn Đàm (huyện Quỳnh Lưu) cho rằng bạo lực học đường không chỉ là đánh nhau, chửi bới, công kích hay còn gọi là bạo lực nóng mà còn diễn ra dưới dạng bạo lực trắng với hành vi tẩy chay gây áp lực tâm lý trong môi trường thực và cả trên không gian mạng. Đại biểu Đàm đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT đánh giá về thực trạng này và đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng trên?

Trước câu hỏi này, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Văn Thành khẳng định, vấn đề đại biểu nêu là rất xác đáng, đây cũng không phải là vấn đề mới mà đây là thực trạng chung của cả nước.

Người đứng đầu ngành GD&ĐT cho biết, thời gian qua Sở GD&ĐT đã chủ động dạy cho các cháu học sinh cấp 2, cấp 3 hành vi ứng xử trên môi trường mạng và những giải pháp đảm bảo an ninh trên môi trường mạng khi giao tiếp. Đồng thời phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để giúp học sinh nhận thức được tác hại và hậu quả của những bạo lực trắng trên môi trường mạng. Trong các nhà trường, tăng cường các mô hình giáo dục như tổ tư vấn tâm lý học đường và công tác xã hội trong trường học, xây dựng mô hình trường học hạnh phúc để học sinh có các kỹ năng sống, giá trị sống và hành vi ứng xử văn hóa trong nhà trường. Thực hiện Thông tư 06 của Bộ GD&ĐT, ngành đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường cho học sinh và thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy.

Về ý kiến của đại biểu Lê Thị Thêu (huyện Tân Kỳ) về số vụ bạo lực học đường gia tăng, năm 2021 có 41 vụ, năm 2022 có 45 vụ, 6 tháng đầu năm 2023 có 51 vụ, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết việc thống kê tùy thuộc vào cách thức thống kê. Trong năm học này, ngành Giáo dục phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phối hợp xử lý  4 vụ bạo lực học đường. Đối với nhà trường, việc thống kê về những vụ việc nhỏ, những va chạm hàng ngày là để qua đó giáo dục các cháu.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến đuối nước ở trẻ em

Anh-tin-bai

Đại biểu Lê Văn Lương - đại biểu thị xã Thái Hoà phát biểu. Ảnh: Thương Huyền

Theo đại biểu Lê Văn Lương - đại biểu thị xã Thái Hoà, đuối nước là nguyên nhân chính dẫn tới tử vong đối với trẻ em trong thời gian qua. Qua báo cáo, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp trong phòng, chống đuối nước và đây cũng là trách nhiệm của nhiều cấp, nhiều ngành. Đề nghị cho biết trách nhiệm, nguyên nhân chính dẫn tới tử vong do đuối nước ở trẻ em và những giải pháp mới nào để hạn chế tình trạng này trong thời gian tới?

Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đoàn Hồng Vũ cho biết, trong giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 6/2023, trên địa bàn tỉnh có 131 trẻ em tử vong do đuối nước, bình quân mỗi năm toàn tỉnh xảy ra 35 vụ đuối nước trẻ em và có trên 30 trẻ em bị tử vong.

Anh-tin-bai

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đoàn Hồng Vũ trả lời ý kiến của đại biểu

Về nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên, theo Giám đốc LĐTB&XH có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, có nguyên nhân khách quan là do Nghệ An có hệ thống sông, suối, ao hồ, biển nhiều. Mưa lũ, nắng hạn thất thường... Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan là chính, gắn với trách nhiệm của các đối tượng. Trước hết, một bộ phận gia đình lo làm ăn kinh tế; bố mẹ đi làm ăn xa, con cái ở nhà với ông bà, anh chị; do người thân sơ ý, thiếu sự giám sát khiến trẻ em bị rơi xuống ao, hồ, sông... và dẫn đến đuối nước. Theo thống kê các vụ đuối nước, tỷ lệ đuối nước tại ao nhà, hồ nước cạnh nhà khá cao. Như năm 2020, tỷ lệ là 34% với 19/56 em; năm 2021, tỷ lệ là 40,4% với 21/52 em; năm 2022, tỷ lệ là 43,34% với 23/53 em; 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ là 26,9% với 7/26 em.

Nguyên nhân thứ hai là số trẻ em chưa biết bơi, chưa được rèn kỹ năng bơi an toàn trong môi trường nước rất nhiều. Theo thống kê, tổng số trẻ em, học sinh tiểu học, THCS trên địa bàn là 511.498 em, trong đó tỷ lệ học sinh biết bơi ở bậc tiểu học chỉ đạt 17,3%; bậc THCS đạt 33,6%; tỷ lệ trẻ em, học sinh từ 6- 15 tuổi đạt 23,6%. Bên cạnh đó, số giáo viên, người hướng dẫn đáp ứng yêu cầu dạy bơi cho trẻ em trên địa bàn ở các trường chỉ có 1.193 người. Như vậy, cứ 1 giáo viên phải chịu trách nhiệm cho 428 học sinh ở bậc tiểu học và THCS.

Bên cạnh đó, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền cơ sở, trường học chưa thực sự ưu tiên, quan tâm sâu sát để giúp các em trong công tác phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước, nhất là về dạy bơi. "Chúng ta chưa phối hợp tốt trong công tác tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước ở trẻ em cho sát thực tế. Chưa phát hiện và đánh giá được số trẻ em có nguy cơ hiện hữu về tai nạn thương tích và đuối nước, từ đó có cảnh báo. Các hoạt động vui chơi trẻ em còn ít, chưa ngăn chặn được những mối nguy hiểm ở một số vị trí khi xảy ra mưa lũ, dẫn đến những cái chết thương tâm" - Giám đốc Sở LĐTB&XH Đoàn Hồng Vũ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, công tác tạo nguồn lực cho vấn đề này còn ít, trong hơn 2 năm qua, ngân sách chỉ chi trực tiếp hơn 16,6 tỷ đồng cho công tác này. Việc xã hội hoá lĩnh vực này còn yếu nên đến hiện nay, toàn tỉnh mới có 216 bể bơi đạt yêu cầu, trong đó có 111 bể bơi cố định và 105 bể bơi di động. Đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em còn thiếu và yếu, chưa có cán bộ chuyên trách công tác trẻ em ở cấp huyện và cấp xã; chế độ, phụ cấp cho đội ngũ cộng tác viên khối, xóm, thôn, bản còn thấp.

Cũng tại phiên chất vấn, các đại biểu cũng đã có ý kiến về công tác giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em.

*/Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục diễn ra trong sáng ngày mai 7/7. Cổng TTĐT tỉnh sẽ tiếp tục thông tin về nội dung chất vấn này.

PT