Chiều nay (25/11), UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án “Giải quyết
việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 – 2020” và
“Chương trình an toàn, vệ sinh lao động tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 – 2020”.
Các đồng chí: Bùi
Đình Long – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Hồng Vũ – Tỉnh ủy viên,
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Vi Văn Quỳnh – Phó Giám đốc Sở Lao
động, Thương binh và Xã hội đồng chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị
226.556 người được giải quyết việc
làm trong giai đoạn 2015 - 2020
Giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho
226.556 người đạt 101,43% so với kế hoạch đề án đề ra (kế hoạch đề án 223.350
người), trong đó đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là 80.676 lao động đạt 107% so với kế hoạch đề ra, tuyển dụng mới 6.751 người lao động vào làm việc tại các cơ
quan nhà nước, tổ chức sự nghiệp công lập đạt 128.3% so với kế hoạch đề ra. Bình
quân mỗi năm giải quyết việc làm mới cho hơn 38.000 lao
động; trong đó, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hơn 14.000 người, giải quyết việc làm trong và ngoài
tỉnh hơn 24.000 người.
 Đ/c Đoàn Hồng Vũ – Giám đốc Sở LĐ, TB và XH phát biểu
khai mạc hội nghị
Công tác giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm
việc ở nước ngoài theo hợp đồng tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả góp
phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động đúng hướng. Chất lượng lao
động từng bước được nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 55% năm 2015
lên 61% năm 2020. Thị trường lao động chuyển dịch theo hướng tốt hơn, số
người làm công ăn lương, có quan hệ lao động tăng dần. Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực không ngừng được nâng lên từng
bước đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế.
Bên
cạnh đó, tỉnh đã có những chính sách, cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận
lợi cho nhân dân phát triển sản xuất, thành lập doanh nghiệp, phát triển ngành
nghề tiểu thủ công nghiệp, xây dựng nhiều khu công nghiệp; cụm công nghiệp;
hoạt động kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch - văn hoá đã có bước phát triển
khởi sắc tạo nhiều việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
 Phó Chủ
tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long trao tặng Bằng khen cho các tập thể đã có thành
tích trong thực hiện Đề án giải quyết việc làm
Tỷ
lệ thất nghiệp ở khu vực nông thôn và thành thị giảm, đạt mức chỉ tiêu kế hoạch
giai đoạn và hàng năm đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đời sống vật chất và
tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao góp phần quan trọng
vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc
phòng trên địa bàn tỉnh.
Tuy
nhiên, chất lượng đào tạo nghề của một số Trường tuy được nâng lên nhưng vẫn
chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Chất lượng nguồn lao
động chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước nhất
là trình độ tay nghề, ngoại ngữ lẫn thể lực; ý thức chấp hành kỷ luật, tác
phong công nghiệp người lao động còn hạn chế, năng lực cạnh tranh của lao động
thấp, còn thiếu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và tay nghề giỏi...
68 vụ tai nạn lao động tại các doanh nghiệp trong giai
đoạn 2018 – 2020.
Thực
hiện chương trình an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn
2018 – 2020, nhận thức về việc chấp
hành chính sách, pháp luật an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) của các cấp, các
ngành, người sử dụng lao động, người lao động được nâng lên. Công tác quản lý
nhà nước về ATVSLĐ được các cấp, ngành, địa phương quan tâm. Cơ quan quản lý
nhà nước các cấp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành quản lý công tác ATVSLĐ;
công tác thông tin tuyên truyền được triển khai với nội dung, hình thức phong
phú, thiết thực, cụ thể hơn; chất lượng và số lượng các đợt thanh tra, kiểm
tra, giám sát được tăng lên, số đơn vị, doanh nghiệp bị xử lý vi phạm hành
chính tăng và có tính răn đe hơn. Ý thức
chấp hành chính sách, pháp luật về ATVSLĐ của doanh nghiệp, người dân được nâng
lên. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư về ATVSLĐ trong sản xuất, kinh
doanh, trong số đó có nhiều doanh nghiệp đã nhận thức rõ hơn tác động của công
tác ATVSLĐ đến năng suất, chất lượng sản phẩm nên đã quan tâm tới việc xây dựng
hệ thống quản lý ATVSLĐ, xây dựng văn hóa an toàn nơi làm việc.
Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp giảm,
hạn chế được tổn thất về sức khỏe, tính mạng của người lao động và tài sản của
nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Việc chăm sóc sức khỏe người lao động được
tăng cường giúp người lao động giảm tâm lý căng thẳng, lo sợ bị tai nạn lao
động, mắc bệnh nghề nghiệp, giúp tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm,
thu nhập và phúc lợi của người lao động được nâng cao. Giảm tai nạn lao động (TNLĐ),
bệnh nghề nghiệp (BNN) cũng góp phần quan trọng tiết kiệm hao phí sức lao động
xã hội, giảm tỷ lệ đói nghèo, giảm gánh nặng cho xã hội… Qua rà soát, 7/9 mục tiêu của Chương trình ATVSLĐ đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long trao tặng Bằng khen
cho các tập thể và cá nhân có thành tích trong chương trình vệ sinh an toàn lao
động
Theo thống kê, báo cáo từ các địa phương, đơn vị, doanh
nghiệp, giai đoạn 2018 - 2020, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra 68 vụ tai nạn
lao động làm 73 người bị nạn, trong đó có 18 người chết, 33 người bị thương
nặng; làm thiệt hại về vật chất hơn 3,7 tỷ đồng. So sánh với giai đoạn
2015-2017, thì giai đoạn 2018-2020 giảm cả bốn tiêu chí: số vụ (giảm
6 vụ, tương ứng giảm 8%), số người bị nạn (giảm 17 người, giảm 19%), người chết
(giảm 03 người, giảm 14%), số người bị thương nặng (giảm 17 người, giảm 34%).
Nguyên
nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động là do doanh nghiệp, người sử dụng lao
động không huấn luyện ATVSLĐ, trang cấp phương tiện bảo vệ các nhân không đầy
đủ, không đảm bảo chất lượng cho người lao động; người lao động không chấp hành
nội quy, quy trình làm việc an toàn. Các vụ TNLĐ chủ yếu xảy ra ở các ngành,
nghề có nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại như khai thác, chế biến khoáng sản (5
vụ, làm chết 05 người, 01 người bị thương nặng), xây dựng, điện, sản xuất công
nghiệp (39 vụ, làm chết 07 người, bị thương nặng 32 người).
Tuy
nhiên, công tác tuyên tuyền, giáo dục pháp luật về an toàn vệ sinh lao động mặc
dù đã có quan tâm nhưng chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Một số chính quyền địa phương chưa thường xuyên lãnh đạo,
chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định về ATVSLĐ. Công tác thanh tra, kiểm tra
thực hiện còn ít so với số doanh nghiệp hiện có trên địa bàn, việc thực hiện
các kết luận sau thanh tra, kiểm tra chưa nghiêm. Việc
chấp hành các quy định pháp luật về ATVSLĐ của một số doanh nghiệp, nhất là doanh
nghiệp nhỏ và vừa chưa tốt. Có những doanh nghiệp sử dụng máy móc, thiết bị lạc hậu,
cơ sở vật chất xuống cấp nhưng thiếu sự đầu tư nâng cấp; công tác vệ sinh lao
động chưa được quan tâm đúng mức...
Tiếp tục thực hiện các mục tiêu về đào tạo lao động
Phát
biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long ghi nhận và
đánh giá cao những kết quả trong công tác giải quyết việc làm và an toàn vệ
sinh lao động (GQVL-ATVSLĐ) trong thời gian qua. Đồng thời, đồng chí cũng đã chỉ ra
những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục.
Phó Chủ
tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long phát biểu chỉ đạo
Để tiếp tục phát
huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian
qua và nhằm đạt được mục tiêu của công tác GQVL-ATVSLĐ giai đoạn 2021-2025, đặc
biệt là gắn với chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu
Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình
Long đề nghị Tỉnh ủy tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các cấp
ủy đảng đối với công tác GQVL-ATVSLĐ; Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp tục quan tâm
chỉ đạo, giám sát và ban hành các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển
lĩnh vực GQVL-ATVSLĐ.
Đối với Sở, ban,
ngành, UBND các huyện, thành, thị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần tập trung
xây dựng kế hoạch cụ thể về công tác GQVL-ATVSLĐ giai đoạn 2021-2025 để triển
khai, thực hiện. Đặc biệt đón đầu xu thế môi trường đầu tư của tỉnh ngày được
nâng cao, thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược với nhiều dự án quy mô vì vậy phải
chuẩn bị nguồn nhân lực và các điều kiện sinh hoạt cần thiết cho người lao động
tại các dự án này, để chuyển dịch dần từ lao động nước ngoài và lao động từ các
tỉnh bạn quay trở về làm việc, đồng thời đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong
các khu công nghiệp này.
Cùng với đó, tập
trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện kịp thời và hiệu quả các chương trình, đề
án đã xây dựng. Tăng cường, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác
tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về công tác
GQVL-ATVSLĐ. Huy động mọi nguồn lực của xã hội để để thực hiện đạt các mục tiêu
đề ra. Hỗ trợ phát triển thị trường lao động, đẩy mạnh công tác dự báo và thông
tin thị trường lao động; đồng thời kết nối với các tỉnh khác trong toàn quốc để
giới thiệu việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục cải
thiện mạnh môi trường đầu tư để thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất
kinh doanh để tạo nhiều việc làm mới và thu nhập ổn định cho người lao động.
Khuyến khích và tạo điều kiện các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động đưa người lao
động đi làm việc ở nước ngoài mở chi nhánh, Văn phòng trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện có
hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi từ Quỹ GQVL cho các doanh nghiệp, cơ sở sản
xuất kinh doanh, trang trại và người lao động vay vốn để đầu tư phát triển sản
xuất kinh doanh, mở rộng ngành nghề nhằm tạo thêm nhiều chỗ làm việc cho người
lao động.
Nâng cao chất
lượng đội ngũ cán bộ làm công tác GQVL-ATVSLĐ và tăng cường vai trò lãnh đạo
chỉ đạo, quản lý nhà nước của các cấp, các ngành. Tăng cường công tác thanh,
kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ. Tổ chức kiểm tra, giám
sát việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ATVSLĐ của chính quyền địa
phương cấp huyện, xã…
Phó Chủ
tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long trao tặng Bằng khen cho các cá nhân đã có thành
tích trong thực hiện Đề án giải quyết việc làm
Dịp này,
UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 8 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc
trong việc triển khai, thực hiện Đề án “Giải quyết việc làm cho người lao động
trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 – 2020”; 6 tập thể và 7 cá nhân có
thành tích xuất sắc trong việc triển khai, thực hiện “Chương trình an toàn, vệ
sinh lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 – 2020”.
Phương
Thúy
|