Chí
sĩ, liệt sĩ Nguyễn Đức Công, hay
Hoàng Trọng Mậu tự là Báu Thụ,
quê xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh nghệ An. Ông sinh ra trong một dòng họ
có truyền thống hiếu học, giàu lòng yêu nước và cách mạng như Phó bảng Nguyễn
Đức Đàm; Nguyễn Đức Tĩnh - Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên; Nguyễn
Đức Thái - Thư ký Công hội Đỏ Nam kỳ; Nguyễn Đức Dương - Xứ ủy viên Xứ ủy Trung
kỳ, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Thanh Hóa; Hoài Thanh (Nguyễn Đức Nguyên), giải
thưởng Hồ Chí Minh, với tác phẩm Thi
nhân Việt Nam, đã có tên đường ở Hà Nội,Vinh, Huế, thành phố Hồ Chí
Minh... Thân phụ là Nguyễn Đức Tân, đậu cử nhân, làm quan chức Hành Tẩu, khi
giặc Pháp đánh chiếm thành Nghệ An, đã bỏ quan về để hưởng ứng phong trào Cần vương
và là người chiêu dân lập ấp khai mở văn hóa giáo dục, giúp đỡ mọi người, nên
được dân làng lập đền thờ sống (sinh từ).

Chí sĩ
Nguyễn Đức Công
Nguyễn Đức Công được xem là một con
người đặc biệt thông minh, thông thạo cổ văn Trung Quốc và nói tiếng phổ thông như
người Bắc Kinh. Tham gia phong trào Đông du.Năm 1902, ông sang Nhật học trường
Đồng Văn Thư viện. Năm 1906, bị Nhật trục xuất, ông sang Trung Quốc hoạt động.
Tốt nghiệp trường võ bị Bắc Kinh, ông đặc biệt quan tâm đến chiến lược cách
mạng. Năm 1912, ông tham gia Việt Nam, giữ chức Bí thư và Quân vụ Ủy
viên (ủy viên phụ trách quân sự). Cùng với Phan Bội Châu thảo "Việt
Nam Quang phục quân phương lược" (chiến lược cách mạng trong tuyên ngôn
của Hội). Ông cũng là người làm phần ghi chú và viết lời tựa cho cuốn Việt nam
Quốc sử Khảo của Phan Bội Châu.
Tháng 3 năm 1915, trong thế chiến
thứ nhất, ông cùng Đinh Hồng Việt chỉ huy quân đột nhập về Lạng Sơn tiến công
chiếm đồn Tà Lùng của Pháp nhưng không thành. Theo hồ sơ sở mật thám Pháp thì
ông được vua Duy Tân ký một sắc chỉ đề ngày 5 tháng 5 năm 1915 cử ông làm Tổng
tư lệnh của Việt Nam quân chính phủ, chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa của vua Duy
Tân năm 1916. Ngày 28 tháng 5 năm 1915, ông bị bắt tại Hương Cảng rồi bị giam
tại Hỏa Lò và sau cùng với Nguyễn Thức Đường bị xử bắn tại trường bắn Bạch Mai,
Hà Nội.Tại
nhà lao Hỏa Lò, ông cùng với chí sĩ Nguyễn Thức Đường (Trần Hữu Lực) đồng
hương, đồng chí, đồng Đông du… (cũng bị bắt từ Thái Lan về) đã nêu cao khí
phách anh hùng sáng chói. Thực dân Pháp dụ dỗ nếu thu phục thì miễn tội, nhưng
ông không chịu mà chịu xử bắn. Cả sách Việt
Nam nghĩa liệt sử và Phan
Bội Châu niên biểu đều nhận xét: “Đại trượng phu, thà chết không thà nhục là như ông”.
Ông đã để lại những lời văn, lời thơ mà sau này nhiều người trong đó có học giả
Đặng Thai Mai, nhà phê bình văn học Hoài Thanh đều cho đó là những lời nói thuộc
hàng cao cả nhất trong văn chương yêu nước của loài người. Có bài thơ Cảm tác làm trước ngày ra
pháp trường cũng được nhiều người cho rằng đây là thuộc mấy bài thơ chữ Hán thất
ngôn bát cú Đường luật hay nhất của Việt Nam, đã được dịch thơ như sau:
“Từ
biệt quê nhà chẳng nhớ năm
Ngổn
ngang tâm sự rối tơ tằm
Đoái
trông Kiếm Nhị buồn tanh sắc
Mơ
tưởng Lam Hồng lặng ngắt tăm
Chết
quách đã đành không đất sạch
Sống
về cũng chỉ một trời căm
Năm
canh hồn mộng thành thân cuốc
Ngậm
máu đi về khóc cõi Nam”.
Đặc
biệt là ngày ra pháp trường, trước khi bị bắn, thực dân Pháp cho cố đạo đến rửa
tội theo luật thông thường của chúng, thì ông đã nói: “Chúng tôi là người mất nước đi cứu nước.
Có tội gì mà phải rửa. Mời ông đi chỗ khác” và đọc ngay câu đối tuyệt
mệnh trước mũi súng quân thù:
“Ái quốc hà cô, duy hữu tinh thần lưu bất
tử
Xuất
sư vĩ tiệp, thả tương tâm sự thác lai sinh”
Câu
đối này từng được treo ở nhà Bảo tàng cách mạng Việt Nam trong những năm chống
Mỹ.
Người sau có văn tế thương tiếc ông,
có câu:
Đá núi Tản muôn trùng chất ngất, hồn
vĩ nhân muôn kiếp chưa tan;
Nước sông Hồng nghìn khoảng mênh
mông, máu liệt sĩ nghìn thu khó gột.
Ngày
24/1/1916, giặc Pháp đã xử bắn ông cùng chí sĩ Nguyễn Thức Đường (Trần Hữu Lực)
tại trường bắn Bạch Mai và chôn chung một huyệt. Năm 1927, con cháu đã dời hài
cốt chung mộ của hai chí sĩ liệt sĩ về quê Cẩm Trường –xã Nghi Trung hiện nay,
đặt tại nghĩa trang chi họ cụ Hành Tẩu Nguyễn Đức Tân.Ông đã hiến dâng cuộc đời
cho Tổ quốc Việt Nam với tấm lòng trong như gương, sáng như vầng nhật nguyệt.
Sách Việt Nam nghĩa liệt sử
viết và in ở Trung Quốc, mệnh danh ông là Kỳ
Nam tử (chàng trai kỳ lạ)
Chí sĩ, Liệt sĩ Nguyễn Đức Công được thờ
chung trong Nhà thờ họ Nguyễn Đức thuộc địa bàn xóm 22 (làng Hoàng Xá), xã Nghi
Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Nhà thờ được xây dựng vào năm 1865 để thờ
thủy tổ và các bậc tiền nhân trong Dòng họ. Đặc biệt là lưu giữ nhiều tài liệu có giá trị phản ánh
truyền thống lịch sử, văn hóa của Dòng họ và cuộc đời, sự nghiệp của các nhân
vật, danh nhân nổi tiếng trong dòng họ, có tác dụng lớn trong việc giáo dục
truyền thống cách mạng, yêu nước, hiếu học cho con cháu trong dòng họ và nhân
dân, du khách thập phương. Với những giá trị văn hóa và lịch sử như trên, UBND
tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định số 2924/QĐ-UBND ngày 09/7/2015 về việc công
nhận di tích lịch sử cấp tỉnh cho di tích Nhà thờ họ Nguyễn Đức để ghi nhận,
lưu giữ những giá trị văn hóa cũng như công lao của các bậc tiền nhân đã có
công xây dựng đất nước./.
Nguyễn
Đình Hùng
TP VHTT(tổng
hợp)
|