Chí sỹ yêu nước Nguyễn Đình Hồng (1880 - 1947) quê ở Làng Phong
Thái, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, là hậu duệ của Thái sư Cương
Quốc Công Nguyễn Xí; được
sinh ra trong gia đình có truyền thống nho giáo; ông nội là Quan
triều đình giữ chức Chánh suất đội thủy quân Nguyễn Đình Cương được vua Tự Đức sắc phong.
Theo những lời kể của các bậc cao niên hiện còn sống trong Dòng họ Nguyễn Đình và trong làng xã, Nguyễn Đình
Hồng là người văn võ song toàn, có thể nói là bậc kiệt xuất trong hương lý thời bấy giờ. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Đình Hồng đã
được cha thuê thầy đồ ăn ở trong nhà để dạy học nên rất thông tường
Hán học. Tương truyền, Nguyễn Đình Hồng giảng văn rất hay, thường đi giảng tại
văn đàn ở xã Nghi Trường ngày nay. Tuy nhiên, trước cảnh đất nước bị Thực dân Pháp
xâm lược, ông không chú tâm vào con đường khoa cử mà tham gia tích cực và có vị
trí quan trọng trong Phong trào văn thân, sỹ phu ở Tổng Đặng Xá và các
vùng lân cận chống Thực dân Pháp xâm lược. Thực dân Phong kiến tìm mọi cách bắt
bớ ông nhưng không được. Nhiều giai thoại trong dân gian cho rằng, sở dĩ thực
dân phong kiến không bắt được là vì Nguyễn Đình Hồng võ nghệ cao cường. Thậm chí nhiều bậc cao niên còn cho rằng, ông có thuật "âm binh",
thuật "thu thân"(thu nhỏ mình lại), phép "khinh công" (biết
bay)... Tương truyền ông thường ẩn nấp tại khu vực Đền Nhà Thánh - nay thuộc xã
Nghi Xuân. Do không bắt được ông, Thực dân phong kiến dùng biện pháp khủng bố,
phá phách, tháo dỡ nhà cha mẹ (tức nhà cụ Nguyễn Đình Oánh) buộc Nguyễn Đình
Hồng phải ra trình diện. Thực dân phong kiến bắt giam ông ở nhà giam ở huyện
Hưng Nguyên trong vòng 1 tháng, sau đó ông được thả. Nhiều người dân đương thời
do nể phục tài năng nên gọi ông là "Tướng Hồng"...
Điều đáng tiếc là, mặc dù hoạt động của cụ Nguyễn Đình Hồng để lại
dấu ấn rất lớn tại địa phương, nhiều nhân chứng còn ghi nhớ, tuy nhiên do nhiều
nguyên nhân nên công lao của cụ chưa được tôn vinh một cách xứng đáng.
Nguyễn Đình Hồng mất năm 1947, hưởng thọ 67 tuổi, mộ tại Nghĩa
trang kỳ Chùa Tu, xã Nghi Phong, Nghi Lộc. Hiện nay, tên tuổi của Nguyễn Đình
Hồng đã được đưa vào sách "Địa chí Nghi Lộc" do PGS Ninh Viết Giao
chủ biên, NXB Nghệ An xuất bản năm 2014.
Hiếu Đạo
|